Số biên chế nhìn "ớn lạnh" của Đà Nẵng: 22.065 người

Lâm Hoài

Chính ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - dùng từ "ớn lạnh" cho con số này, một bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, Nhà nước không đủ tiền nuôi.

"Chúng ta không thể chấp nhận duy trì một bộ máy mà ở trong đó có nhiều cơ quan, đơn vị hoạt động không hiệu quả" - Ông Nguyễn Thương, Phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng

Giảm 21 đơn vị, 2.000 biên chế

Theo thống kê của UBND TP Đà Nẵng, năm 2017 có 409 đơn vị sự nghiệp công lập với 22.065 người làm việc (trước đây gọi là biên chế sự nghiệp). Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết theo lộ trình đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ hợp nhất, sáp nhập, giải thể 21 đơn vị sự nghiệp công lập để giảm ít nhất 2.000 biên chế.

Đề án này cũng đặt mục tiêu chuyển nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước bao cấp sang nguồn thu dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp khoảng 200 tỉ đồng/năm.

Ông Đồng cho biết nguyên tắc sáp nhập, hợp nhất: các đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ, cùng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đối với đối tượng, địa bàn như nhau thì mỗi nhiệm vụ chỉ giao một đơn vị thực hiện, nhưng không nhất thiết mỗi đơn vị chỉ thực hiện một chức năng, nhiệm vụ. Cùng với đó là giải thể đối với các đơn vị hoạt động không hiệu quả hoặc ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ đã được xã hội hóa cao. "Đối với các đơn vị sự nghiệp đã giao quyền tự chủ và thành lập hội đồng quản lí thì được thí điểm thuê giám đốc điều hành trong đơn vị sự nghiệp nhằm đổi mới tư duy và phương thức quản lí theo mô hình quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy khả năng chủ động, sáng tạo, mở rộng liên doanh liên kết, kêu gọi, huy động vốn, tăng khả năng cạnh tranh theo cơ chế thị trường" - ông Đồng nói.

Không quá 3 cấp phó

Theo ông Võ Ngọc Đồng, Sở Nội vụ Đà Nẵng đã ban hành quy định và kiểm soát cơ cấu, định mức tỉ lệ giữa bộ máy và người làm lãnh đạo, quản lí.

Về cấp phó, đơn vị dưới 30 người chỉ có 1 cấp phó, từ 30 người đến dưới 150 người có 2 cấp phó. Đơn vị y tế điều trị bệnh có 150 người trở lên có không quá 3 cấp phó. Các đơn vị sự nghiệp khác có từ 150 người trở lên và có phạm vi hoạt động trải rộng trên nhiều địa bàn hoặc có tính chất phức tạp thì Chủ tịch UBND TP xem xét từng trường hợp cụ thể để thực hiện, nhưng không quá 3 cấp phó.

Đối diện sự thật

Nói về lí do sáp nhập, tinh gọn bộ máy trong cuộc họp mới đây, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng nhìn vào con số biên chế hiện nay thấy "ớn lạnh", nhà nước không đủ tiền nuôi bộ máy cồng kềnh nhưng hoạt động kém hiệu quả. Ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng lâu nay việc tinh giản biên chế tuy có thực hiện nhưng chưa mang lại hiệu quả. Do vậy, đề án của Sở Nội vụ lần này sẽ tạo đột phá trong việc sắp xếp bộ máy, giảm các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hạn chế chồng chéo.

"Hướng sáp nhập, giải thể, cổ phần hóa, tiến tới lộ trình tự chủ là những đề xuất mạnh mẽ, mạnh dạn, rất hợp lí và khoa học, triển khai thực hiện càng sớm càng tốt" - ông Thơ nói. Ông Thơ xác định: "Trước sau gì cũng phải đối diện sự thật là bộ máy hành chính hiện tại rất cồng kềnh, phân tán, chia nhỏ. Người làm thì ít mà đội ngũ cán bộ quản lí, lãnh đạo to quá, nhiều quá, nhìn vào tỉ lệ là không thể chấp nhận được. Trụ sở nhiều, cán bộ lãnh đạo nhiều, trong khi nhân viên và người làm trực tiếp thì ít. Lương nhiều nhưng công việc không trôi chảy bao nhiêu... Chưa kể có những lĩnh vực, công việc tương tự cũng chia năm, chia bảy ra. Đó là sự thật".

image

Đà Nẵng mạnh tay giảm biên chế - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thừa nhận việc tinh giản, thu gọn bộ máy rất phức tạp. Ông Thơ cho biết đối với các đơn vị đã có đề án sắp xếp, khi giám đốc về hưu thì dừng bổ nhiệm giám đốc mới, tránh tình trạng quá nhiều giám đốc, khi sáp nhập sẽ gây khó khăn trong công tác bổ nhiệm nhân sự. "Không ai thích đổi mới theo hướng xóa sổ mình hay hạ mình xuống một bậc cả. Đó là cái khó. Nhưng thấy khó mà mình chùn bước, không dám làm càng không được. Nếu cứ nghĩ theo kiểu để yên rứa chứ mắc chi đụng vô, xới lên làm gì cho rách việc, rồi đơn thư kiện tụng, rồi xin xỏ, cầu cứu đủ thứ... Nếu ngại thế không làm được" - ông Thơ nói.

Thu gọn vẫn hiệu quả

Thực tế việc thí điểm sáp nhập 8 trung tâm giáo dục thường xuyên thành 3 trung tâm vừa qua ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục tại Đà Nẵng đã mang lại hiệu quả. Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD-ĐT - cho biết sau khi sáp nhập, bộ máy đã tinh gọn lại, trụ sở của các cơ sở này dư ra được bàn giao lại cho UBND quận, huyện để mở trường mầm non, tiểu học, THCS... "Việc sáp nhập này là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm bớt số lượng người làm việc, lấy thu bù chi, tiến đến việc các trung tâm này có thể tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động" - ông Vĩnh cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Giao - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 vừa mới được sáp nhập - cho hay sau gần 10 tháng sáp nhập với sự "khởi sắc" tuyển sinh, đời sống cán bộ nhân viên của trung tâm hiện cao hơn, thu nhập tăng thêm cao gấp đôi so với năm trước. Về bộ máy, ông Giao cho biết nếu trước đây mỗi trung tâm có 1 giám đốc và 2 phó giám đốc thì sau khi sáp nhập, hiện trung tâm có 1 giám đốc và 1 phó giám đốc.

Bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu - cho rằng với việc sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, quỹ đất đó được bàn giao cho UBND quận để mở trường học rất hợp lí do quỹ đất để xây dựng, mở rộng trường học ở quận trung tâm như Hải Châu hiện dường như là không thể. Khi được bàn giao lại các trụ sở, với khu đất dư ra của các trung tâm, phòng sẽ đề xuất mở trường mầm non và trường tiểu học.

L.H

Nguồn: https://tuoitre.vn/so-bien-che-nhin-on-lanh-cua-da-nang-22-065-nguoi-20171206075654475.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn