Phản ứng trước tin của Bộ Công an về “Trịnh Xuân Thanh đầu thú”

1. Vụ Trịnh Xuân Thanh đầu thú 'nghe lạ tai như phép màu'

clip_image002Ảnh: OTHER - Ông Trịnh Xuân Thanh từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC)

Một cựu quan chức Quốc hội Việt Nam nói với BBC rằng thông tin Trịnh Xuân Thanh đầu thú "lạ tai, nghe giống như phép màu".

Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói với BBC hôm 1/08:

"Tôi bất ngờ khi nghe tin ông Trịnh Xuân Thanh đầu thú".

Một hôm trước, các báo Việt Nam đồng loạt đăng tin từ Bộ Công an rằng ông Trịnh Xuân Thanh, đối tượng bị Việt Nam truy nã, đã "đầu thú".

"Ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13/2/1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú", báo Công an TP Hồ Chí Minh viết.

"Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng qui định pháp luật".

Nay ông Trần Quốc Thuận bình luận: "Vụ này lạ tai, nghe giống như phép màu, gợi nhớ vụ bắt Dương Chí Dũng cuối cùng cũng không biết thực hư thế nào".

"Có rất nhiều câu hỏi trong vụ ông Thanh: ông ấy từ đâu về, thời gian qua ở đâu, nếu ở nước ngoài thì đi đường nào về mà tự dưng xuất hiện ở Hà Nội rồi ra trình diện ở văn phòng Bộ Công an?"

"Và tại sao các bản tin về vụ này không có lấy một tấm hình mới nhất của ông ấy?"

Còn nhiều ý kiến và suy luận

"Nếu trong những ngày tới, chính quyền không làm rõ những câu hỏi quanh vụ ông Thanh thì dư luận sẽ càng thêm hoang mang về những điều khuất tất, vì một người đang trong diện bị truy nã đặc biệt đâu có dễ về đầu thú".

"Chuyện đó thật không bình thường".

Luật sư Thuận cũng nói thêm: "Tôi cũng có nghe giả thuyết về việc ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Đức rồi dẫn giải về Việt Nam".

"Nếu điều đó là thực thì người ta càng lo lắng về quan hệ đối ngoại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, trong bối cảnh Việt Nam rất cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về giao thương và về Biển Đông".

"Ngoài ra cũng có khả năng tự thân ông Thanh muốn đầu thú dưới áp lực nào đó và được tạo điều kiện cho an ninh áp tải về, nhưng khả năng bị bắt cóc thì cao hơn".

"Theo tôi, trong vụ Trịnh Xuân Thanh, người ta quan tâm là ông ấy sẽ khai ra những ai những ai ở cấp cao và có trách nhiệm cao hơn ông ấy".

"Người ta cũng muốn vụ này được làm mạnh, tới nơi tới chốn vì không phải chỉ mình ông Thanh có thể gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng".

"Đến giờ chưa nghe thấy thiệt hại tiền bạc được thu hồi trong vụ việc này như thế nào".

"Tôi cũng hy vọng ông Thanh được xét xử minh bạch và phiên tòa được mở công khai vì đang trong thời kỳ hô hào chống tham nhũng và cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền" - Luật sư Trần Quốc Thuận

"Tôi mong các Luật sư được tạo điều kiện tiếp cận với ông Thanh ngay từ đầu quá trình điều tra, thẩm vấn vì tội của ông ấy không phải là tội an ninh".

Cũng trong 24 giờ qua, có nhiều bình luận và cả suy đoán về tin rằng ông Trịnh Xuân Thanh "đầu thú" tại Hà Nội.

Trang Thời báo.de bằng tiếng Việt tại Đức đăng bài nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh "bị bắt cóc" tại Berlin và đưa về Việt Nam.

Nhà báo Lê Trung Khoa, Chủ bút tờ báo cũng nêu tin tương tự khi tham gia thảo luận trên mạng xã hội (31/07) do BBC Tiếng Việt tổ chức nhưng trang tin BBC không đăng nội dung này vì chưa có xác nhận gì từ chính giới của Đức.

Được biết báo chí Đức đã quan tâm đến vụ việc với câu hỏi làm sao một người đã đăng ký tỵ nạn tại Đức như ông Trịnh Xuân Thanh lại "đột nhiên biến mất" khỏi nước này và sau đó có tin Công an Việt Nam nói ông "xuất hiện" tại Hà Nội.

Còn nhà báo Phạm Chí Dũng từ TPHCM thì nói trong thảo luận bàn tròn trên mạng xã hội với BBC Tiếng Việt (31/07):

"Nếu Trịnh Xuân Thanh "đầu thú" thì có lẽ ông Thanh đã đáp ứng các điều kiện khai báo của một cơ quan nào đó đưa ra. Điều này sẽ dẫn đến những tình tiết giảm nhẹ cho ông Trịnh Xuân Thanh".

Các trang mạng xã hội cá nhân tiếng Việt ở nhiều nơi cũng đặt câu hỏi chuyện này xảy ra như thế nào vì Đức và Việt Nam chưa có hiệp ước về dẫn độ và chính thức mà nói, ông Trịnh Xuân Thanh không bị cảnh sát Đức truy nã.

Sang 01/08, nhà báo Huy Đức viết trên tài khoản Facebook (Trương Huy San) của ông như sau:

clip_image004Khu buôn bán Đồng Xuân của người Việt tại Berlin - hình chỉ có tính minh họa

"Thay vì đưa báo chí ra sân bay, Bộ Công an đã phải đưa Cảnh sát Cơ động, hai ông lãnh đạo Bộ quan sát thấy đúng là Trịnh Xuân Thanh mới yên tâm trở về - điều đó cho thấy việc bắt và áp tải Thanh về không hoàn toàn đơn giản".

Trang Facebook của ông Huy Đức cũng là nguồn đầu tiên nêu tin hôm 30/07 rằng ông Trịnh Xuân Thanh "đã về Việt Nam", trong câu chuyện hiện vẫn còn nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

Cùng ngày, Bộ trưởng Công an Tô Lâm được báo Việt Nam trích lời nói "chưa có thông tin gì về việc Trịnh Xuân Thanh về nước như mạng xã hội loan truyền".

Khi đó, ông Tô Lâm trả lời câu hỏi "về những thông tin cho là cơ quan điều tra đã di lý Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam rồi" theo trang Pháp luật TPHCM.

Cho đến gần đây, báo chí Việt Nam nói lệnh của TBT Nguyễn Phú Trọng là "truy bắt, dẫn độ" ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.

Hồi tháng 11/2016, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã nói với báo chí Việt Nam rằng ông Trịnh Xuân Thanh "nên ra đầu thú để hưởng khoan hồng".

Những gì tiếp theo?

Còn Luật sư Trần Quốc Thuận nay nêu ý kiến:

"Tôi cũng hy vọng ông Thanh được xét xử minh bạch và phiên tòa được mở công khai vì đang trong thời kỳ hô hào chống tham nhũng và cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền".

"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố là không có vùng cấm, ai vi phạm đến đâu thì xử tới đấy".

"Vụ này sẽ chứng tỏ điều đó là sự thật hay chỉ là trên giấy".

Ông Thanh từng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Sau khi rời ngành dầu khí, ông được điều sang Bộ Công thương, đảm đương nhiều chức vụ trong thời gian ngắn.

Sau đó, ông lại được thuyên chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Tháng 11/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản quyết định kỷ luật một số lãnh đạo trong vụ Trịnh Xuân Thanh.

Trong số này, có ông Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh vẫn đang được mở rộng điều tra.

Năm 2016, sau khi truy nã Trịnh Xuân Thanh, công an Việt Nam khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn người: Vũ Đức Thuận (nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc); Nguyễn Mạnh Tiến (Phó tổng giám đốc), Trương Quốc Dũng (nguyên Phó tổng giám đốc) và Phạm Tiến Đạt (nguyên kế toán trưởng PVC) về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tháng 2/2017, năm người khác bị khởi tố, trong đó có ba người làm tại PVC.

Cũng liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh, có hai Thứ trưởng Bộ Nội vụ là Nguyễn Duy Thăng và Trần Thị Hà đã bị kỷ luật.

Xem lại video:

clip_image006

Blogger Người Buôn Gió nói về ông Trịnh Xuân Thanh

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40767308

2. Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú hay bị bắt?

Các Luật sư nói rằng những thông tin mà Chính phủ Việt Nam tung ra, nói rằng Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú là thông tin mâu thuẫn, khó hiểu. Các chuyên gia pháp lý nói họ mong Việt Nam nên minh bạch thông tin vụ việc này để ‘không xúc phạm người dân’

Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu phó Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói với VOA:

“Tin này nghe rất mâu thuẫn về mặt pháp luật khi Việt Nam đưa tin. Nhiều tin trái qua, trái lại nghe rất khó hiểu”.

Hôm 31/7, một thông báo của Bộ Công an Việt Nam loan tin ông Trịnh Xuân Thanh, một người đang bị truy nã, “đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú”.

Luật sư Thuận nói rằng một khi đã bị truy nã đặc biệt thì không thể có chuyện người bị truy nã đang ở nước ngoài về lại Việt Nam, đi ngang nhiên giữa thủ đô Hà Nội mà không bị bắt, vì bắt cứ công dân nào cũng có thể bắt ông, chưa kể tới lực lượng công an:

“Có người cho rằng ông này đi từ nước ngoài về, có người nói ông bị bắt ở nước ngoài và bị dẫn về. Nếu ông tự đi từ nước ngoài, làm gì một người bị truy nã lại có thể đi lại giữa thủ đô, và đến đầu thú tại Bộ Công an. Nghe tin này lạ tai lắm. Nếu ổng bị truy nã thì người ta bắt chứ làm sao có chuyện ra đầu thú”.

Mặc dù có nhiều tin đồn đại, hiện vẫn chưa biết rõ ông Thanh đã trốn ở nước nào hay những nước nào từ tháng 8 năm ngoái.

Luật sư Trần Quốc Thuận nói ông có nghe một giả thuyết là ông Thanh bị bắt khi đang đi dạo trong một công viên ở Đức, rồi sau đó ông được đưa về Việt Nam.

Báo mạng Thờibáo.de Việt ngữ tại Đức có bài nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã "bị bắt cóc" tại Berlin vào ngày 23/7 và sau đó bị đưa về Việt Nam. Tuy nhiên, VOA chưa kiểm chứng được nguồn tin này.

Hôm Chủ nhật 30/7, có nhiều thông tin lan rộng trên mạng xã hội nói rằng ông Thanh “đã bị dẫn độ về nước”, nhưng phía chính quyền lúc đó vẫn im tiếng.

Chia sẽ quan điểm với Luật sư Trần Quốc Thuận, Luật sư Lê Quốc Quân nói rất khó tin việc ông Thanh ra đầu thú:

“Tôi nghĩ rằng việc báo chí Việt Nam nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh trở về ra đầu thú với cơ quan an ninh là một trò trẻ con, một tin trẻ con – thực sự xem thường nhận thức của nhân dân Việt Nam và thể hiện sự lạc hậu của nền báo chí. Vì một người đang bị truy nã quốc tế thì không thể đang ở nước ngoài lại đi đầu thú ở Việt Nam. Nói rằng tự ra đầu thú ở Việt Nam là cách nói lấy được và điều đó hoàn toàn không ai tin. Người dân nghe tin này cũng bị xúc phạm: đã bị truy nã thì sao qua được biên giới! đã truy nã thì thấy đâu phải bắt đó chứ!”.

Luật sư Quân không tin có việc Đức dẫn độ ông Thanh về Việt Nam:

“Tôi hoàn toàn không nghĩ rằng Đức đã dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam, bởi vì dẫn độ thì Đức phải công khai, ông phạm tội gì, lý do gì, và dẫn độ theo những yêu cầu nào, theo những quy định nào của LHQ.”

Hôm 31/7, Blogger ‘Người Buôn gió’ tức Bùi Thanh Hiếu từ Đức viết trên Facebook: “Câu chuyện Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú là câu chuyện vớ vẩn mà báo chí Việt Nam bịa ra, sở dĩ phải làm thế để che đậy vụ bắt người trái pháp luật ở nước khác… Các Luật sư của Trịnh Xuân Thanh ở Đức đang trình lên Chính phủ Đức việc nhà cầm quyền Việt Nam dùng vũ lực bắt cóc người tại Đức, có thể khả năng sẽ xảy ra một vụ rạn vỡ quan hệ ngoại giao Việt-Đức”.

Blogger Bùi Thanh Hiếu viết: “Những người bạn của anh ta, bao gồm cả Luật sư người nước ngoài, đều khẳng định anh ta không thể bị bắt ở nước Đức này, họ đã xem xét hết mọi điều luật… Không áp lực nào có thể đưa Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam khi chưa có lệnh toà án Đức”.

Theo VNExpress, Việt Nam đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều quốc gia. Trường hợp nghi can bỏ trốn đến quốc gia chưa ký kết hiệp định song phương hoặc quốc gia đó chưa gia nhập Điều ước quốc tế liên quan, việc dẫn độ tội phạm có thể được thực hiện theo sự thoả thuận giữa hai chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.

Vào tháng 9/2016, ông Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố về tội tham ô và cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) gần 3.300 tỉ đồng (khoảng 147 triệu đôla), và dính líu trong một vụ bê bối lớn về bất động sản ở Hà Nội.

Một tháng trước khi bị khởi tố, ông Thanh “biến mất,” và Việt Nam phát lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế.

Sau khi gây thua lỗ ở PVC, ông Thanh vẫn tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp chính trị, ông được điều sang Bộ Công thương, đảm đương nhiều chức vụ quan trọng. Sau đó, ông được chuyển làm phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Luật sư Thuận nói rằng chính quyền Việt Nam phải minh bạch thông tin về vụ Trịnh Xuân Thanh:

“Các cơ quan chức năng phải công khai cho mọi người biết trong thời gian vừa qua Trịnh Xuân Thanh đã ở đâu, làm gì, có ở nước ngoài không? Nếu ở nước ngoài thì làm sao ra nước ngoài được, làm sao đưa về nước được, làm sao ông đi qua đi lại mà không bị phát hiện? Tại sao có lệnh truy nã nhưng sao không bắt? Tất cả những điều này rất mâu thuẫn và khó hiểu. Người ta thấy rất lạ. Trong thời kỳ thông tin minh bạch, mong rằng các cơ quan chức năng sớm nói rõ ra”.

Câu chuyện về ông Trịnh Xuân Thanh tại thời điểm này hãy còn nhiều bí ẩn.

Hôm 1/8, VietnamNet trích lời Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an nói rằng: “Interpol cũng truy nã, giúp Việt Nam bắt được” Trịnh Xuân Thanh.

Theo ông Cương, ông Thanh không “đơn thương độc mã, phải có một lực lượng che chắn phía sau”, và “từ sai phạm của Trịnh Xuân Thanh sẽ thể hiện sai phạm của một loạt cán bộ liên quan”.

Ông nói muốn làm rõ điều này, cần sự trung thực từ Trịnh Xuân Thanh và cái tài của cơ quan điều tra.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/trinh-xuan-thanh-ra-dau-thu-hay-bi-bat/3967554.html

3.Trịnh Xuân Thanh ‘độn thổ’ về Việt Nam ‘đầu thú’?

Tư Ngộ

clip_image008Trịnh Xuân Thanh trong một bức ảnh được cho là đang ở Ðức được tung lên mạng xã hội cách đây ít tháng. Hình: Blog Người Buôn Gió.

Báo chí tại Việt Nam đua nhau đưa tin ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang kiêm đại biểu Quốc hội CSVN “đầu thú” theo một bản tin ngắn vỏn vẹn 2 câu trên website của Bộ Công an được lan truyền nhanh chóng trên mạng.

Nguyên văn bản tin giống như một bản thông cáo báo chí: “Ngày 31 tháng Bảy 2017, Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13 tháng Hai 1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Nhà 24-C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19 Tháng Chín 2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra -Bộ Công an đã đến Trực ban Hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú. Cơ quan An ninh Ðiều tra - Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng qui định pháp luật”.

Bản tin kiểu thông cáo báo chí này gây nhiều ngạc nhiên và thắc mắc cho mọi người.

Báo chí tại Việt Nam thì chỉ ngoan ngoãn dựa vào tin từ Bộ Công an để viết bản tin Trịnh Xuân Thanh “đầu thú” và bỏ ngỏ hoàn toàn lý do tại sao ông ta lại đột ngột dẫn xác tới Bộ Công an “đầu thú”.

Nhiều chức sắc cao cấp của chế độ, gồm cả ông Ủy viên Bộ chính trị thường trực Ban bí thư của Đảng CSVN Ðinh Thế Huynh, người được đồn đoán sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng, từng nhìn nhận từ mấy tháng trước là Trịnh Xuân Thanh đang trốn ở nước ngoài.

Như mọi người đều biết, năm ngoái, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an CSVN ra Quyết định số 19/C46-P12 “truy nã toàn quốc” rồi đến ngày 29 tháng Chín 2016 thì loan báo lệnh “truy nã quốc tế” đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Có nghĩa là họ xác định ông ta đã trốn ra nước ngoài rồi. Cuối năm ngoái, từng có tin một Thứ trưởng Bộ Công an sang Âu Châu và tiếp xúc với cả Interpol về vụ truy nã Trịnh Xuân Thanh.

Ông Trịnh Xuân Thanh trốn ở đâu không ai có tin tức đích xác. Chỉ thấy xuất hiện trên Facebook của Người Buôn Gió mấy loạt bài hấp dẫn, viết thuật lời ông Trịnh Xuân Thanh trình bày với mục đích thanh minh chính yếu cho cá nhân về những cáo buộc tham nhũng và những chuyện khác.

clip_image010Bản tin của Bộ Công An CSVN loan báo ông Trịnh Xuân Thanh “đầu thú”. Hình: Người Việt cắt từ Internet.

Cũng trên trang mạng của Người Buôn Gió có đăng tải một số lá thư nói là của Trịnh Xuân Thanh không tin tưởng vào đảng và cả ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Một thời gian sau, thấy một bức thư dài ký tên Trịnh Xuân Thanh tố cáo các quan chức chóp bu của đảng chia nhau những số tiền khổng lồ hàng tỉ đô la từ gian dối kê khai số lượng dầu khí khai thác trên biển của Tập đoàn dầu khí Petro Vietnam.

Những bức thư này được hiểu như những lá bài mà ông Trịnh Xuân Thanh “đánh bài lật ngửa” với Đảng CSVN, không còn nghĩ đến đường lùi nữa.

Người ta tin rằng hệ thống gián điệp của chế độ Hà Nội đã được điều động vào việc truy tìm tông tích của Trịnh Xuân Thanh. Im ắng suốt nhiều tháng, cuối tuần qua, râm ran tin Trịnh Xuân Thanh có mặt tại Việt Nam và chính ông Bộ trưởng Công an Tô Lâm cải chính ông không biết tin gì hôm Chủ nhật, 30 tháng Bảy, nhưng ngày hôm sau Bộ Công an lại loan báo ông ta “đầu thú”.

Trịnh Xuân Thanh từ đâu “độn thổ” đến Bộ Công an mà “đầu thú”? Ông ta hối hận, hổ thẹn vì đã làm nhiều điều sái quấy khi cầm đầu Tổng công ty Xây lắp dầu khí PVC, mà đầu thú? Hay cái nhóm từ “đầu thú” thật ra chỉ nhằm che đậy một trò ma bùn được dàn dựng, một trò vốn rất quen thuộc của guồng máy công an CSVN?

Nếu Trịnh Xuân Thanh bị dẫn độ về nước, hoặc bị bắt giữ ở nước ngoài rồi bị trục xuất về Việt Nam, chắc chắn Bộ Công an CSVN đã rầm rộ mở cuộc họp báo khoe đã bắt được ông ta với sự hợp tác của nước này nước kia và với cả Interpol… Ðằng này, toàn bộ chuyện “đầu thú” của Trịnh Xuân Thanh bị bao trùm hoàn toàn trong một khoảng trống đen tối như Trịnh Xuân Thanh nếu không từ trời rơi xuống thì cũng phải độn thổ từ đâu đó lên “đầu thú”.

Bởi vậy, trên mạng chuyển đi một bản tin của một tờ báo tiếng Việt ở bên Ðức, tờ Thời báo, nói Trịnh Xuân thanh đã bị đặc tình của CSVN bắt cóc khi đang đi bộ tại công viên Tiergarten ở Berlin.

Tờ Thời báo nói đã phỏng vấn Luật sư của Trịnh Xuân Thanh và được ông này cho biết Trịnh Xuân Thanh bị một nhóm người có võ khí bắt cóc cùng với một nữ cán bộ của Bộ Công thương vào ngày Chủ nhật, 23 tháng Bảy 2017, sang một nước khác trước khi bị đưa về Việt Nam. Tuy nhiên, tờ Thời báo không đưa tên người Luật sư, có văn phòng luật ở đâu và cũng không dẫn lời ông ta nên không rõ độ khả tín của bản tin được đến đâu.

Dù sao, không mấy ai tin rằng ông Trịnh Xuân Thanh lại tự dưng muốn “đầu thú” nên câu chuyện “đầu thú” của ông ta chắc chắn có rất nhiều dấu hỏi cần được trả lời. Ðặc tình của Hà Nội nắm một nửa chìa khóa và Trịnh Xuân Thanh nắm một nửa

T.N.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/trinh-xuan-thanh-don-tho-ve-viet-nam-dau-thu/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn