Việt Nam lấy tiền đâu phát triển: Tiến thoái lưỡng nan...

Thành Luân

(Tài chính) - Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu về tình thế Việt Nam hiện nay khi các nguồn vốn trong và ngoài nước bị cạn kiệt dần.

PV: - Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2015, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã đặt câu hỏi: Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu ra để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới giữa bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, các nguồn vốn ưu đãi bị thu hẹp dần còn nguồn thu trong nước đang suy giảm. Ông chia sẻ như thế nào với nỗi lo của đại diện WB? 

TS Nguyễn Trí Hiếu: - Đây là nỗi lo rất chính đáng. Thường thì các chính phủ trong đó có Chính phủ Việt Nam tài trợ cho việc phát triển kinh tế qua 2 ngả: tự túc, tức là lấy tiền thuế của dân và  nguồn thu nhập của chính phủ trong nội địa, và các nguồn từ nước ngoài, gồm các nguồn viện trợ và nguồn vay.

Nguồn viện trợ của Việt Nam càng ngày càng cạn vì Việt Nam không còn ở trong nhóm các nước có thu nhập thấp mà đã ở trong nhóm các nước có thu nhập trung bình. Chính vì thế các nguồn tài trợ công từ các chính phủ khác và các tổ chức quốc tế ngày càng giảm.

Một nguồn khác từ nước ngoài là nguồn đi vay: phát hành trái phiếu chính phủ và đi vay các tổ chức tài chính quốc tế. Nguồn này đã được Việt Nam tận dụng, thành ra khi các chính phủ cho vay cũng phải xem khả năng trả nợ của Việt Nam như thế nào, nếu nợ công của Việt Nam ngày càng tăng thì họ sẽ hạn chế dần việc vay mượn của Việt Nam và lãi suất sẽ ngày càng tăng.

clip_image001

TS Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Tuổi trẻ

Một điểm quan trọng trong việc vay nợ nước ngoài cũng như các nguồn tài trợ từ nước ngoài là xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam rất thấp với cả 3 cơ quan Moody's, Standard & Poor's (S&P) và Fitch Rating. Trong đó, với Fitch Rating, điểm tín nhiệm của Việt Nam thuộc hạng không khuyến khích đầu tư và mang tính đầu cơ. Với hạng tín nhiệm thấp như thế, Việt Nam rất khó vay mượn từ nước ngoài, nếu có thì phải vay mượn với lãi suất cao.

Như vậy, các nguồn tiền cứ cạn kiệt dần cả ở nước ngoài và trong nước. Còn một nguồn nữa không phải do Chính phủ chủ động làm được mà từ tư nhân, tức các nguồn đầu tư. Tuy nhiên, nguồn này cũng rất hạn chế và những ngày vừa qua có thể thấy ở thị trường hối đoái vốn ngoại rút ra rất nhiều. Thành ra, Việt Nam đang rơi  tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phát triển kinh tế thì cần vốn, vốn từ nước ngoài vào thì ngày càng hạn chế.

Khi nguồn vốn từ nước ngoài đang cạn kiệt thì người ta phải nghĩ đến nguồn nội địa, tức thu thuế. Như vậy Chính phủ bắt buộc phải tăng thuế lên, đồng thời phát hành trái phiếu trong nước, nhưng cả hai việc này đều dẫn đến hậu quả.

Thứ nhất, tăng thuế thì sẽ siết lại hầu bao của dân chúng và khả năng phát triển của các doanh nghiệp.

Thứ hai, bên cạnh việc tăng thuế thì tăng nợ chính phủ trong nước bằng cách in trái phiếu và vay mượn ngân hàng sẽ khiến nợ công tăng nhanh. Đây là điều nguy hiểm, bởi thế đây chính là tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhìn đâu cũng thấy có vấn đề.

PV: - Cùng bày tỏ nỗi lo lắng về ngân sách của Việt Nam, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam chỉ rõ nghịch lý, trong khi các nền kinh tế thu nhập thấp thường có tỷ lệ nợ công giảm thì nợ công tại Việt Nam và các khoản nợ do Nhà nước đảm bảo đã gần như tăng gấp đôi kể từ năm 2000, hiện ở khoảng 60% GDP trong năm 2015, cao hơn mức trung bình trong khu vực. Ông hình dung ra những áp lực đối với chương trình phát triển của Việt Nam trong thời gian tới khi gánh nặng nợ công ngày càng tăng như vậy?

TS Nguyễn Trí Hiếu: - Phải kiểm soát được nợ công, không phải vì tăng trưởng kinh tế mà để cho nợ công tiếp tục tăng. Ngưỡng 65% là mức vừa cần thiết nhưng vừa tạo ra một cái bẫy, đó là chúng ta cứ nghĩ chúng ta ở dưới ngưỡng 65%, chưa kể phải hạch toán như thế nào để ở dưới ngưỡng 65%, vì thế cứ tiếp tục thoải mái  tăng nợ. Đó là điều hết sức nguy hiểm.

Đã nhiều lần tôi kêu gọi thay vì đưa một tỷ lệ nợ công so với GDP nên có một mức nợ công tuyệt đối. Chẳng hạn, bên Mỹ có một con số tuyệt đối về nợ công, chạm đến mức đó là Chính phủ phải quay về Quốc hội, yêu cầu Quốc hội cho phép nới nó lên. Việt Nam chưa bao giờ xảy ra tình trạng chính phủ phải vào Quốc hội để xin nới nợ công.

Chúng ta cứ cho một tỷ lệ và khi chưa đạt tỷ lệ đó thì Chính phủ cứ tiếp tục vay, chưa kể việc hạch toán nợ công của Việt Nam liệu có chính xác, đầy đủ không hay có những hạch toán để rồi cuối cùng chẳng bao giờ đạt được đích 65%, trong khi con số tuyệt đối cứ mỗi ngày lại vùn vụt tăng lên.

Đó là cái bẫy nguy hiểm, vì thế vấn đề đầu tiên là phải kiểm soát nợ công bằng cách đưa ra một con số, chặn ngay ở con số đó và phải công khai cách tính, những con số để Quốc hội và toàn dân biết. Chính phủ phải can đảm đưa ra những con số sát thực tế, dĩ nhiên sẽ hết sức khó khăn nhưng không thể vì bảo lưu quan điểm của mình mà chấp nhận mức độ nợ công ngày càng tăng thế này.

Một điểm cần lưu ý nữa là bộ máy công của Việt Nam quá nặng nề, nó làm tăng nợ công lên. Do đó, tôi đề nghị phải tiết giảm chi phí bằng cách soi từng mục một, từng việc nhỏ như có bao nhiêu ô tô là xe công, soi từng việc công chức, viên chức nào được đi công tác nước ngoài, soi từng trụ sở công quyền không được xây dựng, cho phép xây dựng, rồi soi từng cái chợ, trường học, bệnh viện đã xây lên mà không được sử dụng...

Phải soi từng điểm đó thì bấy giờ mới có cách giảm nợ công, còn nếu chỉ hô hào khẩu hiệu giảm nợ trong khi cho công chức đi nước ngoài thoải mái, xe công ngày càng nhiều, trụ sở xây dựng hoành tráng...

Tóm lại, ngoài việc đưa nợ công đến một mức trần mà chúng ta ấn định thì cả bộ máy đang được trả lương cần phải xem lại, xem lại đầu tư công, chi phí công một cách nghiêm túc.

Tôi thấy ngay cả các thành phần kinh tế tư nhân, các ngân hàng... vẫn có những chi tiêu rất lãng phí, những buổi tiệc tùng, liên hoan hoành tráng... Những lãng phí đó cuối cùng người dân phải chịu vì nó đi vào sản phẩm, giá thành sản phẩm. Do đó, tất cả những chi phí công, tư phải được nén lại, kiểm soát chặt chẽ để tạo ra động lực tiết kiệm của toàn dân, thúc đẩy khả năng tài chính của Chính phủ mạnh hơn.

PV: - Một trong những khuyến nghị được các chuyên gia quốc tế đưa ra đó là Việt Nam cần sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn ODA sẵn có. Mặt khác, khi các nguồn viện trợ đa phương có xu hướng giảm thì cần có một chính sách rõ ràng để hướng dẫn các nguồn đầu tư trong tương lai cho những lĩnh vực này. Ông có đồng tình với khuyến nghị này và theo ông, để làm được như vậy, Việt Nam cần có những hành động gì?

TS Nguyễn Trí Hiếu: - Tôi rất đồng tình với khuyến nghị này và tôi cũng muốn bổ sung thêm về điều này: Những nguồn vốn ODA, tài trợ từ các chính phủ khác và các tổ chức tài chính thế giới lâu nay vẫn được xem như tiền chùa bởi lãi suất thấp, cho vay dài hạn, là dạng vay ưu đãi.

Các nước cho Việt Nam vay không phải họ thương gì Việt Nam mà vì lợi ích của họ khi buôn bán với Việt Nam, khi họ có thể đầu tư tư ở Việt Nam, nó là đồng tiền đi trước của họ. Không có bữa ăn miễn phí nào trên thế giới, không có nước nào từ Nhật, Hàn đến Mỹ, Pháp, Nga... tài trợ cho Việt Nam vì thương Việt Nam. Họ theo đuổi lợi ích quốc gia của họ mà cho Việt Nam vay tiền.

Nhưng Việt Nam lại không nghĩ như vậy, cứ nghĩ đây như quỹ từ thiện nên tiêu xài hoang phí. Nhiều dự án cầu, đường, nhiều công trình vốn ODA có chi phí đội lên trên mức dự trù.

Một vấn đề khác hết sức nhạy cảm nhưng là nguyên nhân đóng góp rất lớn trong nợ công là tham nhũng. Nếu không tham nhũng thì chi phí các công trình có thể thấp hơn nhiều so với những cái đã tiêu xài. Những nhà thầu để trúng thầu quà cáp cho công chức... tất cả làm đội nợ công lên. Nợ công không thể giải quyết triệt để được nếu không giải quyết triệt để vấn đề tham nhũng. Đây là vấn đề mang tính lịch sử, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia đang phát triển. Việt Nam không phải là ngoại lệ nhưng phải có biện pháp bài trừ tham nhũng mạnh mẽ hơn.

Chúng ta hãy thử bỏ qua bức tranh bài trừ tham nhũng tổng thể mà xét riêng về các chi phí công nhận vốn từ ODA, phải có cơ quan giám sát thế nào, cơ quan định giá thế nào, phải có chương trình đấu thầu, trúng thầu hợp lý, chặt chẽ để chặn đứng tham nhũng, hối lộ từ những nguồn ODA. 

Theo tính toán của tôi, tham nhũng đóng góp ít nhất 30% trong chi phí công. Đi đến đâu cũng phải lo lót hết cửa này cửa khác. Qua mỗi cửa lại bòn rút một số tiền, nhà thầu cũng phải chạy hết dự án này đến dự án khác. Trúng thầu thì những cái đó sẽ đi vào hạch toán sổ sách của những người đó chứ họ không bỏ tiền túi ra chạy dự án. Đồng tiền trước là đồng tiền khôn, cứ bỏ ra rồi lấy sau và lấy một cách dễ dàng từ việc đấu thầu.

Cần làm chặt ngay từ khâu phê duyệt dự án, giám sát đấu thầu, giám sát kết quả việc thực hiện đấu thầu và Quốc hội phải là người cuối cùng giám sát các dự án quốc gia, chứ không chỉ giành công việc này cho thanh tra Chính phủ. Quốc hội cần phải đưa ra 1 lộ trình những gì cần xem xét vào kỳ họp Quốc hội này, chấm dứt họp là phải có 1 danh sách tất cả những dự án, những thông số cần theo dõi trong các tháng tới. Tới kỳ họp tiếp theo sẽ đưa những việc đó ra xem đã thực hiện được đến đâu, ai là người chịu trách nhiệm..., cứ như thế thì mới có sự giám sát minh bạch và hiệu quả.

Th.L

Nguồn: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/viet-nam-lay-tien-dau-phat-trien-tien-thoai-luong-nan-3294479/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn