Nhục và đa

Nộ Thủy

(Vấn đề)

Viết sau khi tình cờ đọc một status của một bạn thanh niên Việt sống ở Mỹ, status mang nội dung trăn trở của bạn với hiện tình Việt Nam và bạn cảm thấy nhục khi làm một người Việt Nam, cho dù đang sống và thành đạt ở hải ngoại…

clip_image002

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Khi đói, phải cùng chen chân vào đám đông để bới một đống rác, lục lọi từng mẩu thức ăn, người ta sẽ không còn đủ thời gian để nghĩ về thân phận mà phải tranh thủ bới thật nhanh cái khoảnh rác mình vừa chiếm để đào ra một thứ gì đó lót cái bao tử đang sôi sục. 

Khi bị đau, việc đầu tiên, bản năng tự nhiên của con người là rên, xuýt xoa để tự làm giảm cơn đau của mình, đây là một thứ bản năng ai cũng có, trừ những thánh nhân và các anh hùng, họ sẽ phản ứng khác người, nhưng thánh nhân và anh hùng không phải là số đông, nếu không muốn nói là rất hiếm.

Khi sống trong hoàn cảnh chật chội, tù đày và dơ dáy, việc đầu tiên mà suy nghĩ con người có thể nghĩ tới được là tìm nước để rửa ráy, tắm táp, sau đó tìm cách để thoát thân ra khỏi nơi chốn đang giam hãm họ.

Khi phải nháo nhào trong một xã hội vĩ cuồng và vô cảm, người ta sẽ hoặc là tìm cách làm cho mình lấn át cơn vĩ cuồng chung quanh bằng một cơn vĩ cuồng khác của bản thân hoặc là đào thoát khỏi nó.

Khi sống trong một quốc gia mà ở đó, nếu bạn không biết tự bịt miệng thì mối nguy tính mạng cũng như mọi phiền toái luôn rình rập, lúc đó, bạn sẽ nghĩ đến việc tự biên tập ngôn ngữ của mình để khỏi rước vạ vào thân…

Khi sống trong một nền chính trị chỉ có độc tài và độc tài, điều người ta dễ nghĩ và dễ lựa chọn nhất là đừng để nó rây vào mình hoặc buông xuôi, thỏa hiệp với nó để được lợi…

Tất cả (dường như là tất cả chứ không phải số đông), phàm đã là con người, cũng có lúc mệt mỏi và tuyệt vọng. Để rồi người ta tự thấy mình bất lực và chẳng muốn làm điều gì cả ngoài việc im lặng. Trong trạng huống này, im lặng giống như một tấm vé để bạn mau đi đến với Thượng Đế mặc dù bạn chẳng biết ông ấy là ai.

Và những ai may mắn, đào thoát khỏi cái thực trạng đói khổ, đau đớn, mất tự do, mất cả quyền làm người…. để có đủ thời gian và tĩnh táo nhìn lại, chắc hẳn bạn sẽ thấy nhục, và nỗi nhục ngày càng lớn hơn khi bạn xâu chuỗi mọi sự trong một tổng quan tiểu sử đời mình. Đó là sự thật, ai rồi cũng có lúc trong một chiều cuối năm, trong một ngày tĩnh lặng, ngồi ôn lại tiểu sử của cuộc đời mình, ngẫm ra, thấy buồn nhiều nhơn vui, nhục nhiều hơn vinh, đau khổ nhiều hơn hạnh phúc…

Tình trạng người Việt Nam hiện tại là một cấu trúc chỉ có đau và đau, người ta không có đủ thời gian để chữa kịp vết thương này thì vết thương khác đã cứa vào tâm hồn, trí não… Và khi đau, người ta phải tìm cách chữa cho khỏi cơn đau, xoa dịu nó đi. Người ta không có thời gian và cơ hội để hỏi vì sao mình đau? Mình đã chọn thái độ như thế nào để đối phó với cơn đau?…

Tôi nói như vậy không phải để bao biện, để mong bạn thông cảm, thương tình cho người Việt chúng tôi, những con người đã bất lực, đã không nhìn thấy nỗi nhục của mình, đã là một thứ mọi rợ, nhược tiểu… Bởi điều đó là hiển nhiên, bạn không nghĩ thì người khác cũng nghĩ rằng chưa bao giờ thấy người Việt lại man di mọi rợ như hiện tại. Chưa bao giờ thấy người Việt lại đầu độc người Việt, chỉ vì vài chục ngàn đồng người ta cũng sẵn sàng bơm thuốc kích thích cho cây, đổ axit vào đường để chuyển màu, bơm nước vào thịt, bơm phẩm vào dưa hấu, trái cây… Chỉ để mỗi ký lô, kiếm thêm được vài trăm đồng! Dường như không có thủ đoạn nào mà người Việt không dùng để kiếm vài đồng lãi và có thể giết chết hàng trăm người trong nỗi đau chết dần chết mòn vì ung thư, vì bệnh nan y…!

Đó là nỗi đau, dân tộc này đang mang một nỗi đau của một cơ thể hoại thư, mà tiến trình hoại thư này lại manh nha, hình thành từ lịch sử lâu dài. Bởi dân tộc Việt Nam, sau 1000 năm nô lệ giặc Tàu, đến thời thuộc Pháp, cánh cửa văn mình (trong thân phận nô lệ) chỉ mới vừa hé ra thì liền sau đó, một thứ triều đại phong kiến khác phủ bóng lên đất nước. Lịch sử của đất nước chưa bao giờ là một trang sách (cho dù mang vài chữ) của nhân quyền, độc lập, tự chủ, văn minh, tiến bộ. Chưa bao giờ!

Sau quá trình bị đô hộ, phải làm nô lệ cho kẻ khác, người Việt chưa kịp lành vết thương tâm hồn và tư tưởng, thì liền sau đó, một xã hội cơ hội, phe nhóm ra đời. Thay vì ngoại bang đạp lên đầu nhân dân Việt Nam, bây giờ, chính người Việt Nam đạp lên đầu nhân dân Việt Nam. Những kẻ may mắn và có quyền lực đã thay thế cho ngoại bang để chà đạp nhân dân của mình. Thời phong kiến, thời Pháp, người dân phải chịu cảnh sưu thuế và tệ nạn xã hội nhưng thời đó chưa có xe gắn máy, chưa có bệnh viện nhiều và ngành phẫu thuật trong y khoa chưa phát triển.

Đến thời cộng sản xã hội chủ nghĩa, đại đa số người Việt mơ hồ nghĩ rằng mình đã tiến bộ, đã có xe gắn máy, xe hơi để đi. Nhưng người ta không nghĩ được và khó có cơ hội hiểu biết để nghĩ rằng thế giới chúng quanh đã tiến rất xa, đã dùng đến công/kĩ nghệ nano, đã nghĩ đến siêu tốc và siêu sạch. Và một lít xăng ở Việt Nam phải gánh tiền thuế cáo gấp ba lần giá trị của nó, đủ các khoản thuế, mức độc bóc lột trong đồng thuế còn khủng khiếp hơn thời phong kiến sưu cao thuế nặng. 

Chưa dừng ở đó, người ta còn nghĩ đến chuyện mỗi người dân hằng năm phải đóng thuế bằng máu để đảm bảo cho các khoản chi trong ngành y tế không bị thâm hụt (mà phần lớn là do tham nhũng). Y tế mới chỉ là một trong nhiều bộ trong hệ thống nhà nước, trong khi đó, mỗi bộ đều nghĩ cách để lấy tiền của dân tốt nhất thông qua đồng thuế, rồi nạn mãi lộ, hối lộ, cướp bóc đất đai bằng cách hợp thức hóa, nạn bịt miệng, nạn trả thù… Tất cả chỉ phục vụ cho một nhóm nhỏ chưa tới 10% dân tộc Việt nam.

Một xã hội hình tháp với nhóm trên cùng là nhóm có lợi lộc cao nhất, sau đó là những nhóm dưới, nhân dân luôn oằn mình dưới đáy tháp xã hội và gánh trên lưng hàng trăm nỗi khốn cùng bởi sức nặng bóc lột từ các tầng trên. Nhân dân, nói cho cùng như là một dòng sông nhỏ phải chứa một con tàu quá lớn và vặn mình cho con tàu đi qua. Một dòng sông nhỏ và cạn, không đủ độ sâu để nhấn chìm con tàu, cũng không đủ sức chảy để đẩy con tàu ra khỏi vùng thương tích trong lòng nó.

Chỉ khi nào con sông chết đi, đáy trơ cạn, con tàu tự mắc cạn và hoen gỉ, tự chết theo dòng sông. Đó là thực trạng Việt Nam, những dòng chảy dân chủ, đấu tranh nhân quyền phải yếu ớt lạng lách qua quá nhiều lau sậy và vật cản. Nó không còn đủ sức khi tiếp cận con tàu và đẩy con tàu ra khỏi nơi mắc cạn để cứu lấy dòng sông và cứu cả con tàu, việc này trở thành một giấc mơ luôn hiển hiện trước mắt nhưng khó lòng chạm đến.

Một dòng sông luôn sợ những dòng sông khác hợp lưu sẽ là dòng sông chết, dòng sông tự kỉ. Một con tàu luôn cố gắng rồ ga để ngán dòng chảy của sông và tự mắc cạn giữa dòng là một con tàu điên. Một dòng sông tự kỉ chở một con tàu điên sẽ đi đến đích cả sông và tàu đều chết. Hiện trạng nhân dân Việt Nam gồng mình chở con tàu cộng sản xã hội chủ nghĩa là một sự mắc kẹt, dòng sông nhân dân cạn trơ vì nghẽn dòng, con tàu Cộng sản xã hội chủ nghĩa không đủ sức tự thoát khỏi sự mắc kẹt của nó. Và với đà này, cả hai sẽ cùng chết.

Và trong tình trạng này, thật là khó khăn để người Việt nhìn lại mình mà thấy nỗi đau, nỗi nhục khi làm người Việt. Chữ nhục không phải là một sự mạ lị ở đây, chữ nhục phủ lên dân tộc, phủ lên đất nước, phủ lên không chừa một ai bởi chúng tôi đang sống trong một quốc gia nhược tiểu, nợ nần và oằn mình đóng phí, các nhóm lợi ích tha hồ bán từ tài nguyên đến lãnh thổ… Và những ai thoát được tầng lớp thấp thì bước lên một bước, vào lớp cao để rồi quay lại bóc lột tầng lớp cũ của mình.

Và đây là thời điểm lịch sử mà  đại bộ phận nhân dân đang chịu đau, đang cố vùng vẫy thoát khỏi cơn đau. Điều này làm người ta không đủ tỉnh táo để nhìn thấy sự thấp bé, thiệt thòi cũng như nỗi nhục của mình và của dân tộc mình. Trừ khi bạn đã may mắn thoát ra khỏi vũng lầy đau khổ này. 

Hoặc giả, bạn có thời gian để suy ngẫm. Vấn đề làm sao để con người có thời gian suy ngẫm về nỗi đau mình đang chịu đựng, có thể nói rằng đây là một nan đề, cần phải giải quyết, một nan đề của lịch sử và tương lai dân tộc. Dân tộc Việt Nam chỉ mạnh lên khi người ta thấu được nỗi nhục của mình. Thực sự khó, bởi nỗi đau thường hằng đang hoành hành, làm sao để bước ra khỏi nó?!

N.T.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2017/01/nhuc-va-a.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn