Nghĩ về mấy chữ “cách mạng” và “Cách mạng tháng Tám”

Nguyễn Khắc Mai

Nhiều người, trong mấy ngày qua đã bàn một cách uyên bác về mấy chữ ấy. Người lãnh đạo chính thống đương nhiệm ca ngợi hết lời, khẳng định nó như là một sự thật mười mươi, không thể bác bỏ cả về lý thuyết, cả về thực tế đã xảy ra và đang tiếp nối. Những kẻ này thường theo một lý luận “cứ nói mãi, người nghe, xã hội sẽ có một rãnh mòn trong võ não”. Quả nhiên đã có khá nhiều trí thức, thanh niên và người dân đã hình thành hiệu ứng con chó Pavlov, và tin như đinh đóng cột, bây giờ có nhổ ra cũng không phải dễ, rằng đã từng có một cuộc cách mạng xảy ra và gọi tên là Cách mạng Tháng Tám. Người ta còn quả quyết đó là sự lựa chọn của “đảng và bác Hồ”, cuộc cách mạng Công Nông đầu tiên ở châu Á, cuộc cách mạng tiến lên dưới hai ngọn cờ “độc lập và chủ nghĩa xã hội”. Nhưng ông Trọng lại cãi, còn lâu mới có chủ nghĩa xã hội thứ thiệt. Nghĩa là đảng và ông Hồ lựa chọn không nhằm, không đúng. Không làm gì có chủ nghĩa xã hội thật sự!

Những người có đầu óc phản biện thì đưa ra nhiều lập luận cũng khó bác bỏ, rằng nó chỉ là một cuộc cướp chính quyền bằng bạo lực quần chúng. Kể cũng lạ “Cách mạng Tháng Tám” rập gần đúng bài bản như “Cách mạng tháng Mười” ở Nga vậy. Ở Nga thì trước tháng Mười đã có cuộc cách mạng “Tư sản 1905” lật đổ Nga hoàng, lập nên chính phủ Kerensky. Cách mạnh tháng Mười như thế thực chất cũng chỉ là cuộc cướp chính quyền bằng vũ trang bạo lực do Lê nin chỉ huy để lập ra cái chính quyền xô viết công nông binh tiến lên xã hội chủ nghĩa, để rồi phá sản vào 1991. Còn ở Việt Nam thì trước khi Việt Minh Hà Nội huy động quần chúng “cướp chính quyền” ở Bắc bộ phủ, rồi lan ra cả nước, thì đã có một Chính phủ hợp pháp do cụ Trần Trọng Kim làm Thủ tướng, với tất cả các bộ trưởng là các trí thức khả kính trong nước.

Cá nhân tôi, một chứng nhân lịch sử, từng hát vang “tiến lên nền dân chủ cộng hòa”, từng xông pha cho một cuộc đổi đời mới, cũng từng nếm đủ các mùi vị của cuộc đời, đã đi theo cho đến tận cùng, từ hạ tầng, dưới đáy xã hội cho đến khi được ngồi vào một mép chiếu bàn chuyện triều đình. Tôi xin đem chút chiêm nghiệm của chính mình nói ra những nghĩ suy về mấy chữ cách mạng. Tôi nhớ, có một lần vào cuối năm 1945, cha tôi tiếp một vị trí thức trẻ, tôi được đứng bên hầu trà (bưng khay chén, xách ấm nước sôi, xong khoanh tay đứng cạnh chờ sai bảo). Vị ấy hỏi cha tôi, ông cắt nghĩa thế nào là cách mệnh? Cha tôi đem chút sở học nho giáo ra giải thích. Cách mệnh là cách bỏ cái mệnh cũ để lập ra cái mệnh trời mới, để thay triều đại, đổi ngôi. Không ngờ, sự cắt nghĩa cũ càng như thế, nay nhớ lại bỗng thấy như có gì đấy tuồng như là định mệnh.

Thật ra thì cướp chính quyền cũng được đi, miễn là cái chính quyền mới ấy, nó tiếp tục thực thi những khẩu hiệu mà nó tuyên bố như: “Việt nam Dân chủ Cộng hòa - Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, hay như trong cái Tuyên ngôn Ba Đình (riêng tôi không gọi nó là Tuyên ngôn độc lập): “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, Thượng đế cho họ cái quyền tự do mưu cầu hạnh phúc…”. Thực tế thì cũng đã có sự ước muốn mở đầu tốt đẹp, tử tế. Ví dụ như một chính phủ liên hiệp, có nhiều thành phần, cả cộng sản, cả Việt Minh chưa hay không cộng sản, có nhân sĩ, trí thức, có cả những vị quan của triều đình cũ, có cả doanh nhân… (và không hề có công-nông – những người thợ và cày ruộng chính cống). Chính sách thì tôn trọng đoàn kết lương, giáo, tự do kinh doanh, tự do báo chí, hội đoàn (Hồ Chí Minh còn đứng ra làm chủ tịch danh dự cho hội Hướng đạo, một đoàn thể cho đến nay vẫn bị cấm). Tổ chức bầu cử Quốc hội, để cho nhiều ứng cử viên đối lập tham gia, nhưng họ đều thất cử. Quần chúng công nông không bầu cho họ, vì chỉ tin tưởng vào người của Việt Minh (khẩu hiệu “Việt Minh là việc của mình” rất phổ biến thời ấy). Đã có một bản Hiến pháp khá tử tế (nhiều người cho vẫn còn rất phù hợp-kim nhật, kim thì!). Đã có một Quốc hội khá rõ là đa nguyên chính trị. Đáng tiếc, nó chỉ diễn ra đúng trong vòng một năm kể từ cuối 1945 cho đến cuối 1946.

Đến nay, cuộc “đổi dời” ấy đã diễn tiến đúng sáu giáp (72 năm).

Người xưa nói cứ 60 năm là một hội. Thế mà hơn một vận hội rồi, cái chất, và cái ước vọng đổi dời của Việt Nam từ mùa Thu ấy đã không còn nữa. Thật ra thì Hồ Chí Minh đã xóa bỏ lời thề “tôi chỉ có một ham muốn tột cùng…”, “tôi coi Thích Ca, Giê xu, Khổng Tử, Các Mác… đều là bậc thầy của mình…” khi ông tuyên bố: “tôi chuyển từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa Lê nin” (tôi hiểu là thôi dân tộc mà sang vô sản giai cấp). Cho nên năm 1949 thì họ Hồ đã chính thức xóa bỏ cái Hiến pháp 1946 để chỉ đạo xây dựng Hiến pháp 1959. Cái Hiến pháp này thật sự là từ bỏ con đường Dân tộc để “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, để “bỏ qua chủ nghĩa tư bản, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội”… Đáng nói là đường lối ấy sai lầm, tội lỗi và đã phá sản. Có điều như Ăng-ghen nói: Các quan chức cộng sản là “đám-quan-liêu-không-bao-giờ-mắc-sai-lầm” (một định nghĩa rất khái quát và đúng không thể chịu nỗi). Để biện hộ cho chủ nghĩa xã hội, họ tìm một từ làm hình nhân thế mạng là từ “bao cấp”, mọi người tha hồ đổ tội cho thằng bao cấp. Khốn nạn, bao cấp chỉ là một phương thức phân phối xã hội, nó có mặt từ xa xưa trong thể chế phong kiến, nó cũng có mặt trong xã hội hiện đại, mà ở những nước tiên tiến giàu có người ta rất quan tâm đến bao cấp, người ta bao cấp cho học sinh, cho người già, cho kẻ thất nghiệp… Trí thức ta biện hộ mà không biết ngượng, hô hào định hướng chủ nghĩa xã hội mà nội một cấp tiểu học cũng không bao cấp nỗi! Dối trá, ngụy luận, tráo trở, đã trở thành một phong cách chính thống trong xã hội. Hiện nay người ta lại hô hào học theo “phong cách”. Tôi có một đàn anh lão thành, ông hay dùng chữ “hết biết”.

Nếu tính từ 1959, khi Hồ chí Minh xóa bỏ HP 1946, thì phải đến 2019 mới tròn một Hội (60 năm). Trong cái Hội này, những phẩm chất, những ước vọng của thời kỳ khởi nghĩa, cướp chính quyền, để hô vang “tiến lên nền Dân chủ cộng hòa” đã bị xóa bỏ, Nó đã bị thay thế.

Một mô hình xã hội xô viết toàn trị có đôi sắc thái khác biệt, nhưng cốt tính, bản chất, phương thức, phương pháp chỉ là một. Đúng như cách nói tiếng Pháp của Hồ Chí Minh là “c’ést un”. Một nhà nước toàn trị của một đảng cầm quyền, với chỉ một điều 4 trong hiến pháp thật chung chung và mơ hồ, không có một điều khoản luật nào khác, Đảng vẫn cứ ngồi xổm lên xã hội, lên nhà nước, lên quốc hội dẫu trong hiến pháp ghi rằng quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Chữ thì ghi như thế nhưng thực tế thì “nói zậy mà không phải zậy”. Một nền kinh tế vẫn lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, đầu tư cho các công ty quốc doanh có thể gọi là vô tội vạ để chỉ đạt được kết quả là “cơ cấu kinh tế sai lầm”, năng suất rất thấp, thua xa so với những nước trung bình của ASEAN, nợ công đầm đìa, tham những lên ngôi, cán bộ quản lý và giám đốc quốc doanh giàu nứt đố đổ vách, đầu tư công vô trách nhiệm… Ngược lại, công nông, người lao động, nhân viên thường, người về hưu bị bần cùng hóa tương đối, giàu nghèo phân biệt quá trớn không thể hiểu được… Nhà Nước không có hiền tài đủ năng lực định hình định hướng phát triển, mà chỉ còn là những định hướng chính trị với những nhân cách ngày càng lùn, càng lú lẫn, lùn về văn hóa về trí tuệ và lối sống đạo đức. Tiếng nói phản biện không được tôn trọng, khiến lương tri không định hình, cái ác, sự tùy tiện ngang nhiên tự xưng “đúng quy trình” lên ngôi. Chỉ riêng điều này đã thấy đau lòng. Một Dân tộc vốn hòa nhập bản thân mình thành môi trường, trong danh xưng Đất Nước, thế mà hủy hoại môi trường vô tội vạ. Cứ nhìn lại lịch sử mà xem, có nền văn minh nào dẫu kỳ vĩ, rực rỡ nhưng phá hủy môi trường mà tồn tại! Cướp bóc xã hội, cướp phá rừng, biển, đất đai tài nguyên, làm giàu bất chính, ăn chia không sòng phẳng, gái gú suy đồi, bắn giết nhau theo kiểu ân oán giang hồ, trở thành bi hài kịch. Mà người ta đã cảnh báo từ cả trăm năm trước: Chấm dứt một thời đại bao giờ cũng nảy sinh hài kịch!

Cứ nghĩ mà xem, các Dân tộc quanh ta, họ có xưng làm cách mạng công nông đầu tiên đâu! Đừng so với Hàn quốc, Đài Loan, Singapore, hãy so với Philippines, với Thái Lan, với Malaysia thôi. Năng suất lao động của họ gấp ta hàng chục lần. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nếu cứ điệu này mấy chục năm nữa may ra mới bằng họ hôm nay!

Thôi đừng nói cách mạng, chỉ nói khởi nghĩa thôi. Khởi nghĩa là khởi động, làm dấy lên cái nghĩa lớn của dân tộc. Đừng đao to búa lớn, kết hợp ngọn cờ nọ với ngọn cờ kia, đừng huênh hoang “ba bốn làn sóng cách mạng”, “chủ nghĩa này vô địch, đỉnh cao muôn trượng”, “nền dân chủ này triệu vạn lần hơn”, “dân chủ đến thế là cùng”…

Hãy thử bàn tới mấy khẩu hiệu mà đảng Cộng sản vẫn còn chủ trương hiện nay.

- Một là về chủ nghĩa xã hội. Không có định hướng, định hiếc gì đâu. Chủ tịch Trần đại Quang thật thà khẳng định trong thư gửi học sinh nhân ngày khai giảng: phải học tập để đưa đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa! Chắc chắn đây không phải sự lựa chọn của Dân hồi khởi nghĩa tháng tám. Đây là đường lối của đảng ép dân từ sau khi Hồ chí Minh bỏ HP 1946 và ban hành HP 1959 để tiến nhanh tiến mạnh lên CNXH. Đường lối này đã phá sản về cả lý thuyết về cả thực tế. Tất cả các quốc gia đi theo đường lối này trước sau đều phá sản. Tấm gương gần đây nhất là Venezuela. Nhưng lãnh đạo Việt Nam cớ sao vừa kêu gọi tư bản đầu tư, vừa cho vợ con, thân nhân làm “tư bản”, lại leo lẻo “tiến lên CNXH”? Sự lừa dối này chỉ nhằm một mục đích, không phải giữ cho Đảng mà chỉ là giữ cho nhóm đảng viên cầm quyền giữ địa vị, quyền lực và cả túi tiền của mình. Nếu thật sự họ có nhất điểm lương tâm, họ không nói bừa và làm bừa như thế. Nhưng vì sao họ còn lừa được? Vì công nông binh của ta chưa tỉnh giấc.

Tôi nói tỉnh giấc là mượn lời ông Các Mác. Cuối đời ổng từng nói với Bakounine (một nhà XHCN) rằng: “Một khi giai cấp công nhân giành được chính quyền, họ sẽ thúc đẩy một chế độ ủy trị, để cho một nhóm người đứng ra đại diện và cai trị họ. Ngay lập tức họ sẽ rơi tỏm vào sự lừa dối và lệ thuộc. Sau một hồi hưng phấn cách mạng trong một kiểu nhà nước mới, họ sẽ tỉnh dậy, thấy mình là nô lệ, là con rối, là con mồi (nạn nhân) của những tham vọng mới!”. Nghiệm ra ổng phán đoán đúng. Số phận của cái gọi là giai cấp công nhân trong các nhà nước công nông xhcn thật y chang như nhận định của ông Mác. Công nông thất học, làm việc quần quật để kiếm sống làm gì có dư sang trọng mà đọc Mác, ngay cả những kẻ sang trọng đi nữa họ cũng không đọc Mác. Thế giới văn minh đã lên án rằng chế độ xã hội chủ nghĩa là tội ác phản nhân loại. Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục đi con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội sẽ không tránh diệt vong, không tránh được sự kết án nghiêm khắc của Dân tộc và Lịch sử.

Thứ hai. Độc lập đi với CNXH, rõ ràng là ảo tưởng, sai lầm. Không kể đến việc cả Liên xô, rồi Nga sau này và Trung quốc đều sử dụng “độc lập của Việt Nam” để chống lẫn nhau và chống Mỹ. Chỉ tính riêng cái nội hàm và chất lượng của độc lập, tự do mà Hồ Chí Minh cũng phải nói, độc lập thống nhất rồi mà dân không hưởng được hạnh phúc, tự do thì vô nghĩa! Cho nên lối nói hai ngọn cờ này thực ra là đã dẫn Việt Nam ngày càng chui sâu vào “sừng trâu”, càng vào sâu càng kẹt. Vì tư duy này nên đảng đánh đu với con yêu tinh Trung hoa cộng sản, thực chất là bá quyền đế quốc đại Hán! Chính Nguyễn Văn Linh thật thà là cha dại, đã tự thú nhận, rằng đi với Trung quốc thì mất nước, nhưng đi với Mỹ thì mất đảng. Và chính là NVLinh đã đặt đảng lên đường ray phản bội Tổ quốc. Trung quốc xui dại cái gì thì ban lãnh đạo răm rắp làm theo cái đấy. Ngay như phán quyết của tòa trọng tài quốc tế có lợi rất lớn cho Việt Nam cũng không dám tận dụng vì “đã bán linh hồn cho quỹ”. Ngay như quan hệ song phương hay đa phương với Trung quốc, thì Philippines rõ ràng cũng khá khôn ngoan. Họ sẽ song phương với Trung quốc sau khi đã thực hiện đa phương có lợi, và họ ở thế mà Trung quốc phải o bế, nhân nhượng chưa dám làm càn. Việt Nam vẫn kẹt ở thế chư hầu, hạ phong!

Không phải đi với Mỹ thì mất đảng. Cứ tình hình như hiện nay, đảng đang đổ sông đổ suối niềm tin, càng hô hào những lời mỹ miều dân càng không tin. Về tổng thể, đảng đang đánh mất tính chính danh, chính thống. Có thể nói vì mắc kẹt vào ý thức hệ Mác Lê nin, và đi theo XHCN, nên Việt Nam bị Trung quốc o ép, lăng mạ, cầm tù và thao túng, mà chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bị tổn hại nghiêm trọng.

Dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản chẳng những độc lập, chủ quyền bị sứt mẻ, mà nền kinh tế đang đi vào ngõ cụt khiến tài nguyên, sức người bị phí phạm, năng suất thấp, tài sản của Dân của Nước thất thoát vào tay những nhóm cầm quyền cùng với doanh nhân tham lam, bất nghĩa, trong khi đời sống của dân thường ngày càng khó khăn, khốn đốn. Xã hội đang phải gồng mình chịu đựng những bất công phi lý kéo dài. Tấm huân chương của hơn bảy thập kỷ đi theo CNXH của đảng, mặt chính dẫu có đánh bóng trơn tru cũng rất mỏng giá trị, còn mặt trái của nó xù xì rất nhiều tì vết đáng xấu hổ. Người ta ngụy biện rằng dẫu sao thu nhập quốc dân cao hơn, hạ tầng kiến trúc, lâu đài, đường sá phát triển, số học sinh, sinh viên tăng cao, số giáo sư tiến sĩ đã tính đến hàng triệu… Nhưng những nghiên cứu so sánh khác nhau đều khẳng định, nếu Việt Nam không rơi vào cái bẩy XHCN, chắc chắn không chỉ Sài Gòn là Hòn ngọc viễn Đông, mà Việt Nam đã là một Nic tầm cỡ của châu Á và khu vực. Có đâu như bây giờ là một con nợ lê gậy van xin khất lần, là một dân tộc gia công, đang bán tống bán tháo mọi thứ có trong tay chỉ vì giai cấp cầm quyền vừa tham, vừa dốt vừa cậy quyền!

Đó là chưa kể, đảng đã dẫn dắt dân tộc này vào một cuộc chiến có nhiều phi lý, phục vụ cho dân tộc rất ít, tác hại rất nhiều chỉ vì những mục tiêu ý thức hệ vô nghĩa.

Bây giờ hãy trở lại bàn về hai chữ “cách mạng”.

Hai chữ cách mạng, nguồn gốc nó có rất xa xưa. Chữ cách đã có trong Kinh Dịch trong cái nghĩa “thiên địa cách, tứ thời phân”, nghĩa là có sự thay đổi, phân chia của trời đất mà có bốn mùa rõ rệt. Điều thật thú vị là cái nghĩa cách này trong Kinh Dịch lại trùng khớp với nghĩa gốc của chữ re’volution (tiếng Anh và tiếng Pháp). Re’volution có nghĩa là vần xoay, chu kỳ quay vòng… Như người Pháp nói la re’volution des quatre saisons – sự vần xoay của bốn mùa. Sau đó họ mới gắn cái nghĩa chính trị-cách mạng nghĩa là thay đổi xã hội… Cần chú ý Tây phương không gắn r’evolution với thuyết thiên mệnh như ở Trung hoa và Việt nam .

Ở Đông phương, Trung hoa, chữ cách sau đó được vận dụng vào chính trị, vào thuyết thiên mệnh. Từ trước công nguyên, đã từng có hai chữ cách mệnh, như Thang, Vũ cách mệnh. Nghĩa là vua Thành Thang (nhà Thương) vua Đại Vũ (nhà Chu) thực hiện cách mệnh, bỏ cái mệnh (trời) cũ của hôn quân Kiệt và Trụ, mà lập triều đình mới theo mệnh trời. Nghĩa hai chữ cách mệnh cũ là sự thay đổi ngôi vua (cố nhiên cũng có mong ước triều đại sau sẽ có điều tốt đẹp hơn). Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh ghi nghĩa hai chữ cách mệnh như sau: “Chữ cách mệnh theo nghĩa cũ là đổi mệnh vua, đổi triều vua. Ví dụ Thang Vũ cách mệnh. Hiện nay cách mệnh nghĩa là đổi chế độ cũ mà xấu, dựng nên chế độ mới mà tốt”.

Xét những diễn biến lịch sử từ 1945, đặc biệt là từ 1959 đến nay, trong tất cả mọi bình diện, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, đối nội, đối ngoại… thì theo cá nhân tôi nhận xét, sự biến đổi đã không đem lại sự đổi thay cách mạng theo nghĩa mới. Tức là làm cho biến đổi một cách bản chất xã hội Việt Nam. Về chính trị tuy không xưng hoàng đế, nhưng Nguyễn Văn An (ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội) từng khẳng định Bộ Chính trị của đảng là vua tập thể. Bây giờ vào thập kỷ thứ hai thế kỷ 21 mà phương thức cha truyền con nối đang phổ biến, nếu không COCC, không hậu duệ, thì cũng chủ yếu là vây cánh, thủ túc, người “phe mình”. Cả trong bầu bán ở các đại hội đảng cũng như trong bầu và cử chính quyền. Về chính trị xã hội Việt chỉ chuyển từ triều vua thành triều đảng. Đến nỗi Trần Đăng Khoa trong một truyện ngắn bàn về tìm người kế cận, đã cay đắng nhận xét, họ không tìm người tài đức mà chủ yếu là truyền ngôi cho đứa “bưng bô đổ vịt”, tức cho thủ túc, tay chân của mình.

Cái phương thức phong kiến “ngồi trên ngựa cướp được nước” mà Mao Trạch Đông nói lại theo ngôn ngữ hiện đại là “chính quyền ở đầu ngọn súng”, được đảng áp dụng “tài tình”. Đảng, sau khi xây dựng lực lượng vũ trang, cầm súng giành chính quyền, không chuyển đổi sang mô hình dân chủ đại nghị, điều mà chính Các Mác tổ sư của đảng cũng phải khẳng định “Dân chủ (tư sản dân quyền) là câu đố đã được giải của mọi hình thức nhà nước”. Trong Tuyên ngôn Cộng sản, chính Mác và Ăng ghen cũng khẳng định cái nguyên lý dân chủ đại nghị đó vì chính hai ông cũng cho rằng chưa có gì bảo đảm được có thể bỏ qua “pháp quyền tư sản” dẫu nó còn rất hạn hẹp. Cho nên khi đảng cộng sản Việt Nam khẳng định bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thẳng lên CNXH, thì tất yếu họ tiến thẳng mà như Mác gọi là “rơi tỏm” (tomber sans faute) ngay trở lại phong kiến! Đó là bi kịch Việt Nam. Về kinh tế chủ yếu vẫn không thoát khỏi phương thức phong kiến: trao đổi, cống nạp và tước đoạt! Các tập đoàn quốc doanh trước sau đều theo cái công thức lạc hậu đó. Đất đai, ruộng đất đều không ra khỏi bàn tay nhà nước, thực chất là kẻ cầm quyền. Chẳng khác gì công thức phong kiến “phổ thiên chi hạ, mạc phi vương địa” - khắp dưới vùng trời đâu cũng là đất của nhà vua! Chỉ xét điểm then chốt này, làm sao mà xã hội Việt hôm nay lại không bị biến thành một mô hình siêu phong kiến! Họ rêu rao chủ nghĩa Mác Lê, chỉ thấy lưỡi lê và giáo mác. Còn cái tư tưởng của Mác có thể nói họ không hề biết mà cũng không cần biết, họ đã sẳn sàng đánh lừa công nông thất học khi xưa, vẫn tiếp tục đánh lừa những kẻ có văn bằng học vấn hôm nay. Tôi có thể quả quyết rằng nếu như có cái gọi là học thuyết của Mác (mà chính ông chối bỏ: tôi không phải là mác xít) thì về chính trị là cái gọi là giai cấp công nhân, từng có lúc ông coi là “nhân vật thời đại” (le héros de notre temps), nhưng cũng chỉ là những tên phu đào huyệt, trong tên gọi này thực chất địa vị là rất thấp kém. Nhưng cuối đời chiêm nghiệm lại, ông khẳng định: trong nhà nước XHCN giai cấp công nhân chỉ là nô lệ, con rối và con mồi của những tham vọng mới mà thôi. Ở Việt Nam ngày nay ai là bè lũ tham vọng mới? Chắc không khó nhận dạng! Còn về kinh tế thì hòn đá tảng là chế độ sở hữu. Lại chính Mác khẳng định: nhà sản xuất (công, nông, nhà doanh nghiệp) chỉ có tự do (mà tự do đối với Mác có một gía trị vô ngã, nó tuyệt đối) khi họ có quyền sở hữu đối với đất đai, nhà xưởng, tàu thuyền, ngân hàng, tín dụng… Chú ý ông nêu đất đai là yếu tố số một! Đảng cộng sản Việt Nam lại làm theo phương thức của vua chúa phong kiến. Cho nên bảy mươi năm vẫn quanh quẩn không thoát ra được cái vũng bùn cũ, trái lại càng ngày càng giữ cho cái “thây ma cũ” bốc mùi, thấm đẫm vào toàn bộ mọi ngõ ngách của xã hội. Không phong kiến mới là lạ!

Cho nên hai chữ cách mệnh để dùng cho cách mạng Tháng Tám, không có chút gì là Re’volution - cách tân, canh tân, đổi mới. Chủ yếu vẫn chỉ là thay đổi cái “mệnh trời” cũ vua chúa phong kiến, sang một cái mệnh mới là mệnh đảng mà thôi.

Những người cộng sản quả thật muốn phụng sự Tổ quốc và Dân tộc hãy theo trào lưu dân chủ làm một cuộc “Rê vô luy xiông” mới. Nhưng để làm được điều đó nhất thiết phải từ bỏ nhân cách cộng sản, mà phải phấn đấu chuyển hóa mình để có được một nhân cách dân chủ. Muốn như thế không khó. Hãy chịu cắp sách sang học bà Aung San Suu Kyi, hoặc sang Đức học bà Merkel cũng tốt!

N.K.M.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn